Thời kỳ đầu Lịch_sử_video_game

Bài chi tiết: video game đầu tiên

Vào 25/1 năm 1947 Thomas T. Goldsmith, Jr. and Estle Ray Mann nộp đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế lên chính phủ cho một sáng chế mới mà họ mô tả là "thiết bị giải trí bằng ống phóng tia âm cực (ống phóng điện tử)". Bằng sáng chế này được Văn phòng cấp bằng sáng chế Hoa Kỳ thông qua ngày 14/12/1948, mô tả chi tiết một chiếc máy mà một người sử dụng các nút bấm để thao tác súng tia âm cực bắn các tia tới các mục tiêu mô phỏng "máy bay". Một lớp in phủ lên màn hình CRT giúp xác định vùng tương tác.

Vào những năm 1949–1950, Charley Adama chạy một chương trình có tên "Bouncing Ball" cho chiếc máy tính Whirlwind của MIT. Dù chương trình vẫn chưa thực sự tương tác được, nhưng nó đã là tiền thân của video game sắp ra đời.

Vào tháng 2 năm 1951, Christopher Strachey thử chạy một chương trình cờ đam (tiếng Anh: draughts; tiếng Mỹ: checkers) do mình viết trên chiếc máy tính NPL Pilot ACE (là một trong những máy tính đầu tiên được xây dựng ở Vương quốc Anh, tại Phòng thí nghiệm vật lý quốc gia -NPL- trong đầu những năm 1950). Chương trình đã sử dụng vượt quá dung lượng bộ nhớ của cỗ máy và Strachey đã phải chạy thử lại nó trên một máy tính ở Manchester với một bộ nhớ lớn hơn vào tháng 10.

Cũng vào năm 1951, trong khi phát triển công nghệ truyền hình cho công ty điện tử New York là tập đoàn Loral, nhà sáng chế Ralph Baer xuất hiện ý tưởng với việc sử dụng các bóng đèn và các mẫu được ông dùng trong công việc của mình vào việc khác ngoài chức năng chỉ là các thiết bị hiệu chỉnh. Baer nhận ra rằng bằng cách cho khán giả khả năng thao tác với chương trình truyền hình của họ, vai trò của họ thay đổi từ thụ động quan sát sang thao tác tương tác. Khi ông đem ý tưởng này đến cấp trên của mình, ngay lập tức nó bị đè bẹp vì lý do tập đoàn đang bị chậm tiến độ.

OXO, một phiên bản trên máy tính của trò tic-tac-toe, được A.S. Douglas sáng chế vào năm 1952 tại Đại học Cambridge, nhằm mục đích chứng minh luận án của mình về khả năng tương tác giữa máy tính với người. OXO được thiết kế trên chiếc máy tính EDSAC với một ống tia phóng tia âm cực có chức năng như một màn hình hiển thị trực quan để hiển thị nội dung bộ nhớ.

Năm 1958, William Higinbotham tạo ra một trò chơi sử dụng một dao động ký và một máy tính tương tự (dạng máy tính sử dụng các mạch điện tử để thực hiện việc tính toán. Ví dụ như mắc nối tiếp các điện trở để thực hiện các phép cộng hay mắc nối tiếp điện trở với tụ điện để tính tích phân v.v...) với tên gọi Tennis for Two, nó lần đầu tiên được sử dụng để mua vui cho các khách tham quan Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven ở New York. Tennis for Two thể hiện một sân tennis đơn giản hóa với góc nhìn từ bên cạnh, gồm có một quả bóng bị trọng lực kiểm soát và cần phải điều khiển quả bóng đó bay qua "lưới", không giống như trò kế thừa của nó—Pong. Tennis for Two được chơi với hai bộ điều khiển hình hộp, mỗi cái đều có một cần gạt để điều chỉnh quỹ đạo và một nút bấm để đánh bóng. Tennis for Two được trưng bày trong hai mùa trước khi bị tháo dỡ vào năm 1959.

Những năm 1950–1960

Phần lớn các game máy tính thời kỳ đầu đều chủ yếu sử dụng nội bộ trong các máy tính lớn ở các trường đại học và các phòng thí nghiệm và được phát triển bởi các cá nhân như một sở thích. Khả năng tiếp cận với các phần cứng máy tính thời kỳ đầu này khá giới hạn nên các trò chơi rất ít ỏi và nhanh chóng bị lãng quên bởi các thế hệ sau.

Vào những năm 1959–1961, một bộ sưu tập các chương trình tương tác hình ảnh được tạo ra trên chiếc máy tính TX-0 tại MIT:

Mouse in the Maze(Chuột trong mê cung): cho phép người chơi đặt các bức tường mê cung, một vài mảnh pho mát, và trong một số phiên bản, có cả rượu martini, sử dụng bút ánh sáng (bút dùng để viết hay vẽ trên màn hình CRT sử dụng phương pháp dò sự thay đổi độ sáng trên đầu bút và đồng thời tô đậm điểm mà bút trỏ tới). Sau đó có thể thả con chuột vào mê cung và xem nó chạy để tìm thức ăn.

HAX: bằng cách điều chỉnh hai công tắc trên bàn điều khiển, có thể tạo ra các hình ảnh và âm thanh khác nhau.

Tic Tac Toe:sử dụng bút ánh sáng, người chơi có thể chơi các ván tic-tac-toe với máy tính.

Trong 1961, một nhóm sinh viên tại MIT, bao gồm Steve Russell, lập trình một trò chơi mang tên Spacewar! trên chiếc máy DEC PDP-1, một loại máy tính mới thời bấy giờ. Trò chơi giữa hai người chơi đọ sức với nhau, mỗi người điều khiển một phi thuyền có khả năng bắn tên lửa, trong khi một ngôi sao ở giữa màn hình là một mối nguy hiểm lớn với các phi thuyền. Game này thậm chí còn được phân phối cùng các máy tính DEC và được bán trong suốt các thời kì sau đó qua hệ thống mạng internet nguyên thủy. Spacewar! được ghi nhận như là game máy tính có nhiều ảnh hưởng đầu tiên.

Năm 1966, Ralph Baer tham gia hợp tác làm việc với Bill Harrison trong một dự án, nơi cả hai đều làm việc cho nhà thầu Sanders Associates trong lĩnh vực điện tử quân sự tại Nashua, New Hampshire. Hai người đã tạo ra một video game đơn giản tên là Chase, là game đầu tiên có khả năng hiển thị trên một chiếc tivi thông thường. Với sự hỗ trợ của Baer, Bill Harrison đã tạo ra súng ánh sáng(cấu tạo và hoạt động như bút ánh sáng nhưng sử dụng để chơi game). Baer và Harrison sau đó tham gia cùng Bill Rusch vào năm 1967, một người đã từng tốt nghiệp trường MIT (MSEE), mà sau đó đã được trao một số bằng sáng chế cho các thiết bị chơi game trên ti vi (Bằng sáng chế Mỹ số 3,659,284, 3,778,058, v.v...). Việc phát triển vẫn tiếp tục và đến năm 1968 một nguyên mẫu đã được hoàn tất và có thể chơi một số game khác nhau như bóng bàn và bắn các mục tiêu. Sau nhiều tháng lao động bí mật giữa các dự án chính thức, cả nhóm đã có thể mang một mẫu thử nghiệm đúng như đã hứa với bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của Sanders. Tới năm 1969, Sanders đã giới thiệu tay cầm điều khiển game dân dụng đầu tiên trên thế giới với các nhà sản xuất.

Vào năm 1969, lập trình viên máy tính Ken Thompson của hãng AT&T đã viết một game có tên Space Travel cho hệ điều hành Multics. Game này mô phỏng các hình dạng hành tinh của hệ mặt trời cùng chuyển động của chúng và người chơi sẽ phải cố gắng đáp phi thuyền lên đó. AT&T sau đó huỷ bỏ dự án MULTICS, và Thompson chuyển trò chơi này sang ngôn ngữ Fortran chạy trên máy tính lớn GE 635 với hệ điều hành GECOS của hãng General Electric. Hệ thống này yêu cầu 75 USD mỗi giờ sử dụng, và Thompson quyết định tìm một hệ thống nhỏ hơn và rẻ hơn để dùng. Cuối cùng ông tìm cách tận dụng chiếc máy tính PDP-7, và Thompson và Dennis Ritchie lại một lần nữa viết lại game dùng ngôn ngữ assembly (hợp ngữ) để có thể chạy trên PDP-7. Trong quá trình học cách để phát triển phần mềm cho chiếc máy đó, quá trình phát triển của hệ điều hành Unix bắt đầu, và Space Travel trở thành ứng dụng đầu tiên của hệ điều hành UNIX.